MÙA GẶT CUỐI CÙNG
Mùa gặt cuối cùng là một khúc dân ca của miền Tây Nam bộ, có khi man mác buồn, lúc lại rộn rã tươi vui. Câu chuyện được kể lại trong một bài tập làm văn của cậu bé Phố. Khắc họa hình ảnh của chính cha mẹ Phố (anh chị Tư Khó), những nông dân gặt mướn, dù không tấc đất cắm dùi, nhưng với tâm hồn chân chất, mộc mạc anh và “đồng nghiệp” vẫn lạc quan sống, chăm chỉ lao động và quyết tâm không để con cái thất học. Khó khăn ập đến với anh Tư Khó và những người làm nghề gặt mướn khi máy gặt đập liên hợp xuất hiện ở những nơi heo hút nhất. Đứng trước nguy cơ “thất nghiệp”, anh Tư Khó và bạn gặt vẫn cố gắng làm thật tốt cho mùa gặt cuối cùng.
Câu chuyện còn mang đậm tính nhân văn khi cậu bé Phố, là con trai của anh Tư Khó theo cha má gặt mướn ở một địa phương xa lạ. Phố tình cờ quen biết với đám trẻ “nửa bụi đời” trong vùng. Đám trẻ có chung một cảnh ngộ: gia đình không trọn vẹn và mù chữ. Từ những giây phút bỡ ngỡ, mâu thuẫn ban đầu, Phố dần hòa nhập, thân thiết với đám trẻ. Thấy các bạn không viết nổi tên họ, Phố tự nguyện dạy bảng chữ cái, dạy cách ghép vần cho từng bạn. Ngày đám trẻ ê a ráp được vần tên mình, cũng là ngày Phố theo cha má trở về nhà.
Bài tập làm văn của Phố không dừng lại trong khuôn viên trường của cậu bé, mà đã lan xa đến khắp nơi. Quả ngọt của hạt giống Phố gieo bằng tình thương, lòng sẻ chia là sự chung tay góp sức của cộng đồng, giúp xây trường cho các bạn của Phố.