Trailer phim

Trang Chủ

GIỚI THIỆU CÔNG TY PHIM GIẢI PHÓNG

Giới thiệu Phim Giải Phóng

 

Xưởng Phim Giải Phóng (tiền thân Công ty TNNHH Một Thành Viên Phim Giải Phóng), được thành lập vào tháng 01 năm 1962, trong giai đoạn chiến tranh ác liệt diễn ra tại chiến trường miền Nam.

 

Nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó cho Xưởng Phim Giải Phóng: Ghi nhận kịp thời những hình ảnh chiến đấu, những thời khắc quan trọng thể hiện sự kháng chiến anh dũng của quân dân ta tại miền Nam.

 

Cán bộ - chiến sĩ của Xưởng Phim Giải Phóng không quản ngại khó khăn gian khổ để hoàn thành trách nhiệm. Những bộ phim tài liệu mang giá trị lịch sử đã lần lượt ra đời, nhưng cũng đã có những hy sinh trong lúc quay phim, lúc bảo vệ tài liệu phim ảnh, chống địch càn, và nhiều đồng chí khác để lại một phần thân thể trên chiến trường. Tất cả để lại cho thế hệ tiếp nối những tấm gương sáng về lòng yêu nước và bảo vệ nền điện ảnh dân tộc dẫu còn sơ khai.

 

Sau ngày giải phóng, Xưởng Phim Giải Phóng tiếp tục sứ mạng chính trị Đảng và Nhà nước giao, Xưởng trở thành Xưởng phim Tổng hợp, Xí nghiệp phim Tổng Hợp và Hãng phim Giải Phóng, đến ngày 30/6/2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH Một Thành Viên Phim Giải Phóng. Và dù ở giai đoạn nào, cán bộ công nhân viên chức của Phim Giải Phóng vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, sản xuất những bộ phim tài liệu, phim truyện mang tính nghệ thuật cách mạng cao, góp phần định hướng thẩm mỹ đối với công chúng, khán giả cả nước, tiếp tục tạo tiếng vang trên trường Quốc tế. 

 

Phim Giải Phóng đã có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển của ngành văn hóa, cụ thể là những bộ phim tạo được dấu ấn như:

  • Mùa gió chướng (1978).
  • Cánh đồng hoang (1979).
  • Vùng gió xoáy (1982).
  • Xa và gần (1983).

 

Đặc biệt từ năm 1981 đến năm 1987, Phim Giải Phóng sản xuất bộ phim nhựa Ván bài lật ngữa. Đây là bộ phim nhiều tập (8 tập) duy nhất của điện ảnh Việt Nam. Phim đã đoạt nhiều giải thưởng.

 

Ở thời kỳ mở cửa, Nhà nước bắt đầu xóa bỏ bao cấp dành cho điện ảnh, chuyển từ chế độ bao cấp sang chế độ hạch toán kinh tế, có sự tài trợ một phần của Nhà nước.

 

Dù trong hoàn cảnh khá khó khăn, nhưng Phim Giải Phóng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao phó, bên cạnh đó Phim Giải Phóng mau chóng hòa nhập vào xu thế giải trí – thương mại của điện ảnh cả nước.

Các bộ phim truyện nghệ thuật tiêu biểu:

  • Gánh xiếc rong (1988).
  • Dấu ấn của quỷ (1992).
  • Lưỡi dao (1993).
  • Vị đắng tình yêu (1991).
  • Con thú tật nguyền (1985).
  • Trang giấy trắng (1991).

 

Trong thời kỳ xóa bao cấp là giai đoạn các doanh nghiệp điện ảnh Nhà nước nếu không chuyển đổi, hội nhập vào sự phát triển chung sẽ tụt hậu, đồng nghĩa với tự xóa sổ.

Với sự nhạy cảm về thị trường điện ảnh, thị hiếu người xem, không bằng lòng dừng lại với những thành tích đã đạt được, Phim Giải Phóng bước đầu hội nhập với điện ảnh thế giới bằng những hợp tác với các phim của Việt kiều, Đạo diễn nước ngoài mang bối cảnh cận đại, hiện đại của Việt Nam như:

 

Năm 1996 đạo diễn Hồ Quang Minh thực hiện phim Bụi hồng (1996) cho Phim Giải Phóng. Phim đoạt nhiều giải thưởng.

Đặc biệt có những bộ phim tạo được tiếng vang như:

  • Ai xuôi vạn lý (1996).
  • Chung cư (1998).
  • Hải Nguyệt (1998).

+ Phim tài liệu tiêu biểu:

  • Di chúc những oan hồn (2000): Bông Sen Vàng, Giải Đạo diễn LHPVN 2001; Giải A Hội ĐAVN 2000.

 

Thời kỳ xã hội hóa (năm 2003 đến nay):

Đây là giai đoạn có tính thử thách cao với Phim Giải Phóng, lúc này Phim Giải Phóng phải tự đứng trên đôi chân của mình, vừa đảm bảo nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, vừa lo đầy đủ tiền lương, phúc lợi xã hội theo quy định của Nhà nước cho cán bộ CNVC. Nhưng với quyết tâm cao, không ru ngủ mình bằng những giải thưởng, thành tích ở thời kỳ bao cấp, Phim Giải Phóng chấp nhận cọ xát với thương trường để tạo nên những bộ phim vừa là duy trì truyền thống tốt đẹp của Xưởng Phim Giải Phóng, vừa trở thành ngọn cờ đầu trong việc nghệ thuật hóa phim thương mại.

 

Các bộ phim gậy tiếng vang giai đoạn này có:

  • Gái nhảy: Sản xuất năm 2003 đạo diễn Lê Hoàng. Bộ phim mở đầu cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990. Gái nhảy đã đạt mức doanh thu kỷ lục 12 tỷ đồng, cao nhất của điện ảnh Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới (tính đến thời điểm công chiếu).
  • Lọ lem hè phố: Giải Phim truyện nhựa có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất trong năm 2004, 2005 tại Cánh diều Vàng 2006
  • Lấy vợ Sài Gòn: Đạt doanh thu cao.
  • Chuông reo là bắn: Đạt doanh thu cao.

 

Nhưng không rời xa tiêu chí đặt nghệ thuật lên hàng đầu, Phim Giải Phóng tiếp tục sản xuất những bộ phim ít nhiều tạo tiếng vang, có giá trị về văn hóa, nhân văn:

  • Mê Thảo thời vang bóng: Giải nhì của Quỹ cổ động phát hành quốc tế (Promotion Internationale des Films du Sud); Bông hồng vàng - tại Liên hoan phim Bergamo, Ý; Giải khuyến khích Hội Điện ảnh Việt Nam.
  • Thời xa vắng: Giải Quay phim xuất sắc (Trần Hùng), Giải phim truyện nhựa hay nhất (Cánh diều Bạc) năm 2004 tại Cánh diều 2004.
  • Mùa len trâu: đã tham dự gần 10 liên hoan phim khu vực và quốc tế và đã giành được những giải thưởng đáng kể: Giải phim hợp tác với nước ngoài có hiệu quả cao nhất tại Cánh diều Vàng 2004; Giải đặc biệt ở LHP Locarno, Thụy Sĩ; Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago, Mỹ; Giải cao nhất, Grand prix của LHP Amiens, Pháp; Giải đặc biệt của LHP Amazonas, Brazil…
  • Trăng nơi đáy giếng: Giải Cánh diều Bạc 2008, Giải Cánh diều Vàng cho Nữ chính xuất sắc nhất 2008; Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Dubai; Giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở khu vực phim châu Á tại LHP quốc tế Madrid (Tây Ban Nha); Và tham dự nhiều LHPQT ở các nước.
  • Long Thành cầm giả ca: Cánh diều vàng 2010 cho phim truyện nhựa; Cánh diều vàng 2010 cho biên kịch phim truyện nhựa; Cánh diều vàng 2010 cho họa sĩ phim truyện nhựa; Giải Ban Giám khảo LHPVN năm 2011; Giải Thiết kế xuất sắc nhất LHPVN 2011.
  • Cát nóng: Bằng khen của Ban giám khảo LHP Cánh diều vàng năm 2012.
  • Phim truyện Mỹ nhân: 
    • Kim Hiền – Giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất LHP VN thứ 19
    • Kim Hiền – Giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất LHP Cánh diều vàng 2016.
  • Phim hoạt hình Đàn sếu có trở về: Bông sen bạc LHPVN lần thứ 19. Và các phim hoạt hình: Thỏ và rùa (Giải Bông Sen vàng, Giải Đạo diễn xuất sắc: Huỳnh Vĩnh Sơn, Giải Biên kịch xuất sắc: Huyền Vũ, Mỹ Linh tại LHPVN 2009), phim Cậu bé bong bóng cũng đánh dấu là 1 trong những bộ phim mang phong cách riêng, sáng tạo, độc đáo của Phim Giải Phóng.
  • Các phim tài liệu video, phim truyện video đoạt giải cao trong các kỳ LHP Quốc gia: Đám mây không dừng lại trên đồng (tài liệu), Con đường sáng (phim truyện), Cây Bản mệnh. (phim truyện) v.v…

 

Hiện tại, Phim Giải Phóng sẵn có những trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến cho giai đoạn tiền kỳ lẫn hậu kỳ, phim trường với hệ thống ánh sáng, âm thanh hiện đại nhất cả nước, đủ để thỏa mãn những đòi hỏi cao nhất của việc sản xuất phim điện ảnh và truyền hình. Bên cạnh đó chúng tôi còn có đội ngũ đạo diễn, biên kịch, biên tập và các chuyên viên dựng phim, hòa âm giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, đã từng thực hiện nhiều phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình đoạt nhiều giải quan trọng ở các liên hoan phim Việt Nam và khu vực.

 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cục Điện ảnh về Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Phim Giải Phóng rất chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển điện ảnh như: Tăng cường giới thiệu phim tại các liên hoan khu vực và quốc tế; mở rộng hợp tác, liên doanh sản xuất phim với nước ngoài, kết hợp giữa điện ảnh với du lịch để quảng bá đất nước, nét đặc sắc của các vùng, miền; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.